Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Chuyện buồn của những gia đình lính đảo Trường Sa

Cha làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, lâu lâu mới được về phép. Mẹ ở nhà làm ruộng, suốt ngày tất bật mưu sinh. Người con bị thiểu năng, ở nhà với bà ngoại 92 tuổi không còn minh mẫn nên nhiều khi mẹ phải nén nỗi đau cột con vào góc nhà...

Nuôi con nhỏ trong một gia đình đủ đầy cả vợ cả chồng đã vất vả. Vậy mà có người vợ phải một mình nuôi con bệnh nặng giữa bộn bề lo toan. Nhưng họ đã vượt lên nỗi đau, làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm bảo vệ Tổ quốc nơi đảo xa. Họ là vợ của những chiến sĩ Trường Sa.
Chúng tôi may mắn gặp được những người phụ nữ kiên trung ấy vào cuối tuần qua tại TPHCM. Các chị đưa con vào TPHCM để được các Mạnh thường quân theo dõi, hỗ trợ việc chữa bệnh cho con.
Chúng tôi gặp lại chị Ngô Thị Hằng và cháu Phan Thị Thu Hoài (quê Khánh Hòa). Họ là vợ, con của anh Phan Văn Hoàng, chiến sĩ đảo Trường Sa. Mẹ con chị là nhân vật trong bài: “Sánh bước yêu thương với gia đình chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo” mà Dân trí đăng tải ngày 1/6.
Chị Hằng cùng anh Hoàng lập gia đình ở tuổi đôi mươiSau nhiều năm mòn mỏi đợi chờ mà không có con, anh chị quyết định đi vay 200 triệu đồng để thụ tinh trong ống nghiệm. Qua bao ngày mong đợi, một em bé kháu khỉnh ra đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Trước khi trở lại với biển đảo làm nhiệm vụ, anh Hoàng đã kịp đặt tên con là Phan Thị Thu Hoài. Dù ở nơi đầu sóng, ngọn gió giữa biển đảo muôn trùng nhưng anh luôn hướng về đất liền để chia sẻ niềm hạnh phúc với vợ con.
 
Vậy mà, thật buồn khi vừa trả dứt nợ thì vợ chồng anh phát hiện cháu bị máu trắng do di chứng từ người ông vốn là một cựu chiến binh.
 
Chuyện buồn của những gia đình lính đảo Trường Sa
Chị Hằng và đứa con bị máu trắng được các tổ chức xã hội quan tâm, trao quà hỗ trợ chị chữa bệnh cho cháu, giúp anh yên tâm vững vàng nơi biển đảo xa xôi
Hiện tại, hai vợ chồng chị Hằng đã phải bán nhà để chạy chữa cho con. Cuộc sống đầy khó khăn, nỗi buồn giăng khắp nhưng cả hai vợ chồng vẫn quyết tâm giữ sự sống cho con, luôn hy vọng mong manh rằng con sẽ sớm khoẻ mạnh.
Sau khi thông tin hoàn cảnh của gia đình chiến sĩ Hoàng được đăng tải trên báo Dân trí, nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ. Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã mời mẹ con chị Hằng từ Khánh Hòa trở lại TPHCM để trao số tiền 10 triệu đồng và hỗ trợ lâu dài trong việc điều trị chữa bệnh cho cháu. Quỹ đã vận động 3 doanh nghiệp giúp cho cháu chi phí sinh hoạt hàng tháng là 1,5 triệu đồng.
Đón nhận món quà nghĩa tình từ các Mạnh thường quân, chị Hằng không kìm nén được xúc động. “Tôi mong sao xã hội quan tâm hơn đến người thân của các chiến sĩ, những người cùng cảnh ngộ như tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự chia sẻ của mọi người. Dù khó khăn mức nào, tôi cũng vẫn là hậu phương vững chắc cho chồng vững tay súng nơi biển đảo”, chị Hằng nói trong nước mắt.
Một trường hợp vợ chiến sĩ Trường Sa khác cũng đang “vật lộn” từng ngày với người con bị dày vò bởi bệnh tật. Đó là hoàn cảnh của chị Trương Thị Ngọc và cháu Nguyễn Đức Trung, quê Nghệ An. Họ là vợ và con chiến sĩ đảo Trường Sa, Nguyễn Gia Khang. 
Chị Ngọc kể, chị là một cô giáo trường làng. Thu nhập tuy ít ỏi nhưng mái ấm gia đình của chị luôn hạnh phúc. Chị tự hào về chồng mình là một chiến sĩ hải quân. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi khi cháu Trung bị bại não. Chồng đi công tác xa, hàng ngày, ngoài công việc dạy học thì chị kiên trì chăm sóc, dạy dỗ con. Niềm vui của mẹ trào dâng khi thấy trên khuôn mặt con đã biết cười. Đến nay rất đáng mừng là cháu đang ngày càng đỡ bệnh.
“Nhìn con mà xót quá. Em tự dằn lòng rằng mình phải quyết tâm để đưa cuộc đời của con, một em bé bại não trở thành một đứa trẻ bình thường. Thế nhưng,…”, nói đến đây, chị Ngọc không kìm được nước mắt.
Chuyện buồn của những gia đình lính đảo Trường Sa
Cô giáo Ngọc và cha bên đứa con bị bại não. Chồng chị cũng vừa mất cách đây 2 tháng vì nhồi máu cơ tim
Cha chị ôm đứa cháu ngoại vào lòng và vỗ về con gái. Lặng người một hồi lâu, ông kể tiếp câu chuyện cuộc đời mà con gái ông đang bỏ dở: Con rể của ông, chiến sĩ hải quân Nguyễn Gia Khang đã mất cách đây 2 tháng vì nhồi máu cơ tim, để lại hai con thơ… Bản thân chị Ngọc cũng đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo mà bác sĩ trong nước chưa tìm ra nguyên do và chưa có hướng chữa trị ... “Không biết khi nào con cháu tôi khỏe mạnh. Tôi lo con gái tôi sẽ phải rời xa các con của nó khi tuổi đời còn quá trẻ… Ông bà nội ngoại hai bên đều đã lớn tuổi...”, cha của chị Ngọc rưng rưng nói. 
Một gia đình khác không tiện nêu tên có hoàn cảnh đáng thương không kém. Cha đi công tác ở biển đảo, lâu lâu mới được về phép. Người mẹ ở nhà làm ruộng mưu sinh. Người con bị thiểu năng trí tuệ. Thiếu người trông nom, đôi khi mẹ phải nén nỗi đau cột con vào một góc nhà vì bà ngoại đã 92 tuổi, không thể tự lo cho mình huống gì chăm cháu…
Sát cánh cùng gia đình chiến sĩ Trường Sa
Chị Linh, nhân viên công tác xã hội của Dự án “Sánh bước yêu thương” cho biết, chị đã không quản ngại đường xa, đi dọc đất nước khảo sát và làm việc cùng các gia đình để đưa ra phương án hỗ trợ hiệu quả nhằm kêu gọi cộng đồng giúp sức cho gia đình các chiến sĩ Trường Sa. Càng đi, chị càng gặp nhiều hoàn cảnh rất cần được giúp đỡ. Nhưng, điều làm chị Linh thấy bất ngờ vì các gia đình này không một lời thở than mà luôn tin vào một ngày mai tươi sáng.
Linh mục Phan Khắc Từ, Giám đốc Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam (VTEKT) cho biết, để giúp đỡ các gia đình chiến sĩ biển đảo có con, em và người thân bị khuyết tật, Quỹ đã công bố dự án Sánh bước yêu thương. Với sứ mệnh hết sức nhân văn, ý nghĩa, thiết thực… dự án đã được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm.
Hiện dự án đã được Hội Các nhà Quản trị Doanh nghiệp VN, BNI Việt Nam và Trung tâm Văn hoá Doanh nhân cam kết đồng hành để 3 doanh nghiệp giúp 1 cháu và kêu gọi cộng đồng trợ giúp ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng như gia đình chị Hằng, chị Ngọc vừa nhận được. Dự án cũng kết nối với các bệnh viên để đưa cháu đi khám và tìm phương án điều trị, vật lý trị liệu cho cháu.
“Ngoài việc nhân viên công tác xã hội của Quỹ đi lập hồ sơ, hãy kêu gọi cộng đồng liên hệ ngay với chúng tôi nếu mọi người biết về trường hợp nào cần giúp đỡ. Trái tim gắn kết trái tim, bàn tay nắm lấy bàn tay, chúng ta cùng chia sẻ và đồng hành với gia đình các anh để các chiến sĩ vững lòng nơi đảo xa”, linh mục Phan Khắc Từ kêu gọi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét